Chào anh chị em và các bạn. Tôi là Koguchi, giám đốc Văn phòng Luật hành chính Visaed80. Lập xuân đã qua nhưng những ngày giá rét vẫn tiếp tục. Mùa này những gia đình có con em thi chuyển cấp thực sự vất vả.

Nhà tôi (Koguchi) năm ngoái vào thời điểm này, một đứa thi đại học, một đứa thi cấp 3. Nói đến đây làm tôi nhớ lại thời gian đó. Người lớn trẻ nhỏ cùng cố gắng thêm chút nữa, mùa xuân sẽ sớm đến thôi.

Và bây giờ là phần thông tin từ Việt Nam do Trang – nhân viên người Việt của văn phòng của chúng tôi giới thiệu đến các quý vị. Bài đăng hôm nay sẽ là phần giới thiệu về trải nghiệm sinh và nuôi con trên đất Nhật của bạn ấy. Xin mời Trang.

Vâng ạ. Chào anh chị em và các bạn. Tôi là Trang, nhân viên Văn phòng Luật Visaed80. Ngày nào cũng rét buốt vẫn tiếp tục, sức khỏe của anh chị em và các bạn vẫn ổn chứ. Mong mọi người bảo trọng để không bị cảm cúm vào mùa này.

Hôm nay, cho phép tôi được nói về trải nghiệm sinh và nuôi con ở Nhật của bản thân trong thời gian qua.

Trong quá trình mang thai, mỗi lần đi khám, tôi thường xuyên nhận được nhắc nhở từ các bác sĩ rằng “trong thời gian mang thai, chú ý điều chỉnh thực đơn ăn uống để không được tăng quá 10kg”. Khi nghe thấy vậy, tôi thấy khó hiểu, nghĩ bụng: “Ở Việt Nam mọi người tang 15, 20 kg có sao đâu???”. Nhưng sau đó, nghe bác sĩ giải thích tôi hiểu lý do vì sao ở Nhật lại hạn chế tăng cân của bà bầu nghiêm ngặt như vậy. Theo giải thích của bác sĩ, trong thời kỳ mang thai, nếu ăn quá nhiều đồ ăn nhiều calo, nhất là những thực phẩm có nồng độ muối, đường, chất béo cao thì sẽ dễ khiến thai phụ bị tiểu đường, áp huyết cao và cũng làm tang nguy cơ sinh khó, sinh non. Sau khi sinh con, chế độ ăn uống nghiêm ngặt này cũng vẫn phải tiếp tục duy trì.

Thời gian tôi ở trong viện sau khi sinh là 5 ngày và ngày nào cũng được phục vụ cơm ăn 3 bữa. Ngoài ra còn có bữa phụ với trà và bánh ngọt.

Ngày đầu tiên trẻ chào đời, mọi việc chăm sóc trẻ đều do phía bệnh viện đảm nhiệm, mẹ chỉ việc ăn và ngủ lấy lại sức. Thời gian đó chỉ có hai vợ chồng tôi nhưng cho đến khi ra viện, chồng tôi chỉ việc đến thăm hai mẹ con sau khi làm việc xong.

Khi còn ở Việt Nam, tôi đã có dịp chăm bạn thân trong bệnh viện khi cô ấy đi sinh. Phòng bệnh thường có tầm 10 giường. Tuy nhiên, vào mùa cao điểm, bệnh viện sẽ ghép 2 giường lại cho 3 sản phụ cùng nằm. Trừ trường hợp có vấn đề bất thường còn việc chăm sóc sản phụ và trẻ mới sinh cho đến khi ra viện đều do phía gia đình sản phụ đảm nhiệm. Ngày nào người nhà của sản phụ cũng phải tất tả lo cơm nước, vệ sinh cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
Thế nên khi vào viện sinh được hưởng khoảng thời gian thư thái, an nhàn như thế tôi thấy sung sướng như đang ở trên thiên đường (^^♪ 
Nhưng sau khi ra viện mới thật là khổ ải. Gia đình tôi ở Việt Nam nên hàng ngày chỉ có hai vợ chồng chung tay chăm con. Nói là 2 vợ chồng vậy nhưng ban ngày chồng tôi đi làm từ sáng sớm nên ban ngày và ban đêm chỉ có mình tôi xoay sở, chăm con. Nói thật lòng là thấy vô cùng mệt mỏi. Nhất là ngay buổi tối ngày ra viện, con gái tôi khóc dạ đề liên tục. Thời gian đó tối nào tôi cũng ngủ theo kiểu ngồi ghế tựa vừa bế con vừa tranh thủ chợp mắt. Đã thế chung cư bên cạnh và nhà đối diện lại trong quá trình xây mới nên cả ngày và đêm tôi luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Cứ thế trong 3 tuần đầu tiên, dần dần tôi chẳng còn cảm giác gì, cứ hành động như cái máy. Cho đến một hôm, chồng tôi đi làm về, nhìn tôi và giật mình hỏi “Trang, em không sao chứ? Nhìn em vô cùng mệt mỏi.”. Tôi chỉ nhớ là mình vô thức trả lời “Anh thấy em thế à? Em không biết, em không có cảm giác gì cả”. Nghe thế chồng tôi có vè cuống nhưng cũng chẳng thể nào làm khác được. Khi đó, tôi có nhớ đến Nhóm tình nguyện có tên là “Sango (Hỗ trợ sau sinh)” mà mình đã tìm hiểu thông tin trước khi sinh. Vợ chồng tôi liền đăng ký nhờ họ hỗ trợ tuần 1~2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Nhờ vào sự giúp đỡ đó mà tôi đã vượt qua được khó khăn ban đầu trước khi mình gục ngã.

Chông tôi cũng chủ động chăm con vào ngày nghỉ cuối tuần, tạo điều kiện cho tôi có thời gian riêng của mình để tôi có thể nghỉ ngơi, thay đổi không khí. Nhờ thế mà sức khỏe và tinh thần tôi đã tốt lên nhiều. Cho đến giờ tôi vẫn không ngừng cảm ơn chồng mình về quãng thời gian đó. Nhờ vào sự thông cảm, chia sẻ và hỗ trợ của những người trong nhóm tình nguyện, cô giáo dạy trà đạo, Ikebana và bạn bè trong nhóm mà việc nuôi con của tôi dần dần dễ chịu hơn. Đến đây tưởng có thể yên tâm quay trở lại làm việc thì tôi lại đối mặt với vấn đề mới. Đó là điều kiện để cho con vào nhà trẻ ở Nhật. Thời gian đó, tôi chủ yếu nhận biên phiên dịch và dạy tiếng Việt và phần lớn là lịch công việc không cố định nên không thể đáp ứng điều kiện về thời gian đi làm là 1 tuần từ 3 ngày trở lên, mỗi ngày từ 4 tiếng trở lên. Chính vì thế mà vị trí ưu tiên của con gái tôi luôn ở cuối cùng và phải đợi hơn 1 năm mới có thể nhập học được. Đó thực sự là cú sốc đối với tôi vì ở Việt Nam không đòi hỏi những điều kiện như vậy nên nó nằm ngoài tưởng tượng của tôi. Cho đến giờ tôi vẫn thấy quy định “Không đi làm thì không thể gửi con vào nhà trẻ” vô cùng mâu thuẫn thực tế vì “Không gửi con được thì chẳng nơi nào tuyển vào làm”.

Tất nhiên vẫn có trường hợp “trẻ được cho nhập học ngay khi bố mẹ đang đi xin việc”, nhưng sau 3 tháng nhập học mà bố mẹ không tìm được việc thì trẻ sẽ phải thôi học. Tôi thấy quy định này thật sự quá đáng. May mắn là con tôi đã được  nhập học thuận lợi nhưng nói thật là tôi thấy cần xem xét lại chế độ xét nhập học này.

Mùa xuân này con gái tôi sẽ vào lớp 1. Sự nghiệp nuôi dạy con cái vẫn còn dài phía trước và những khó khăn phát sinh do khác biệt văn hóa chắc chắn không tránh khỏi. Nhưng tôi sẽ vui vẻ đón nhận nó cũng như mong mỏi được thấy con mình trưởng thành. Đến lúc đó nếu có dịp tôi rất muốn lại được trải lòng với mọi người.

Cảm ơn anh chị em và các bạn đã giành thời gian đọc nội dung Visamaga số hôm nay.

Đăng ký tư vấn miễn phí
http://esoudan.com/gaikokujin/vi/free-consultation/

Follow me!