Chào anh chị em và các bạn. Tôi là Koguchi-giám đốc Văn phòng Luật hành chính Visaed80.
Tình hình dịch cúm xung quanh anh chị em và các bạn thế nào?
Con gái tôi đã bị lây nhiễm cúm khi đi học lớp trượt tuyết ở trường. Như lời bác sĩ nói thì hiện tại dịch cúm A đang lây lan diện rộng. Nhưng nghe nói dù là cùng bị cúm A nhưng có cúm A khác loại nên cũng có người bị nhiễm liên tục. Anh chị em và các bạn hãy hết sức lưu ý giữ gìn sức khỏe nhé.
Số Visamaga lần này, Trang-nhân viên Việt Nam của văn phòng chúng tôi sẽ giới thiệu đến anh chị em và các bạn tin tức về Việt Nam, cụ thể là tình hình sinh con và nuôi dạy con ở Việt nam. Chúng ta cùng theo dõi nhé.
Vâng, chào anh chị em và các bạn. Tôi là Trang – nhân viên văn phòng Visaed80.
Số lần này và lần sau tôi muốn giới thiệu đến anh chị em và các bạn về trải nghiệm sinh con và nuôi con ở Nhật của mình. Nhưng trước hết, trong số này cho tôi giới thiệu về thực trạng ở Việt Nam trước nhé.
Người Việt Nam nếu sau khi kết hôn mà nói “Chúng con muốn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son một thời gian rồi mới sinh con” thì giông bão sẽ nổi lên với cơn mưa lời mắng từ bố mẹ và người thân nào là “Vô trách nhiệm”, nào là “bất hiếu”. Tức là với người Việt Nam, việc kết hôn và sinh con không chỉ là việc giữa hai vợ chồng mà còn liên quan đến toàn bộ gia đình, người thân. Chính vì thế mà việc sinh con và nuôi con của người Việt gắn kết chặt chẽ tất cả thành viên trong gia đình đó.
Trước tiên, khi biết có thai, thai phụ sẽ đi khám thai và đây là cách khám theo kiểu Việt Nam.
Cũng có người đi khám định kỳ cho đến khi sinh nhưng đại bộ phận là chỉ đi khám 3 tháng đầu, sau khi biết giới tính của con rồi thì thôi không đi khám nữa trừ trường hợp có dấu hiệu bất thường cần theo dõi. Bệnh viện cũng khác với Nhật bản. Bệnh viện ở Việt nam không có dịch vụ cấp suất ăn nên việc ăn uống trong quá trình nhập viện đều do người nhà của sản phụ chuẩn bị và mang đến, hoặc có thể mua ở các quán ăn xung quanh bệnh viện.
Sinh hoạt sau khi sinh cũng vô cùng gian nan. Tháng đầu tiên sau khi sinh, sản phụ không được tắm, không được đi ra ngoài. Mùa đông còn có thể chịu đựng được nhưng mùa hè thì đúng là địa ngục đối với sản phụ. Từ xa xưa, người Việt nam quan niệm rằng tháng đầu tiên này là thời gian quan trọng nhất đối với việc phục hồi sức khỏe của sản phụ.
Ở Việt Nam, ngày xưa sau khi kết hôn, phụ nữ sống chung với gia đình chồng và chuyên tâm lo toan việc nhà cũng như chăm sóc con cái là điều đương nhiên. Nhưng 20 năm trở lại đây xã hội Việt nam đã có những thay đổi đáng kể. Việc phụ nữ “ra ngoài xã hội phát huy năng lực bản thân” trở nên đương nhiên nên sau khi hết thời hạn nghỉ thai sản hầu hết đều quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, ở Việt nam không có cơ sở mầm non nào nhận trẻ dưới 1 tuổi nên việc chăm sóc cháu trở thành nhiệm vụ quan trọng của các ông bà đã về hưu. Nhờ sự hợp tác của ông bà mà người mẹ có thể yên tâm quay trở lại làm việc. Nhưng một vấn đề không nhỏ phát sinh là cũng vì thế mà việc dạy bảo con cái khó có thể theo mong muốn của bố chúng. Chỉ cần nghiêm khắc hoặc nói nặng một chút với trẻ thì lập tức ông bà sẽ can thiệp “Nó đang còn nhỏ, làm sao có thể làm được như thế?”, “Nó đang còn nhỏ, chưa cần phải bắt làm như thế”,….Điểm này có vẻ giống các ông bà Nhật bản (^-^;
Trường hợp không có ông bà trông hộ con thì sẽ thuê người trông trẻ hoặc người giúp việc. Những người trông trẻ và giúp việc này phần lớn là phụ nữ từ nông thôn ra, họ nhận việc trông trẻ bằng hình thức sống cùng chủ hoặc trông theo giờ. Ở Nhật, thuê người trông trẻ và giúp việc sẽ rất tốn kém nhưng ở Việt Nam tiền công không đắt đỏ đến thế mà ở mức chấp nhận được nên trở nên khá phổ biến.
Tuy có được sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người xung quanh nhưng cũng có phụ nữ vừa chăm đi làm vừa chăm con lại vừa phải chăm sóc bố mẹ chồng ốm đau bệnh tật. Sự vất vả của phụ nữ Việt nam khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ dâu con không khác mấy so với phụ nữ Nhật bản vừa làm việc vừa chăm con vừa phụng dưỡng bố mẹ già.
Phụ nữ ở đất nước nào cũng thế, dù khác biệt về văn hóa, phong tục thì đều có những khó khăn nhất định trong việc sinh và nuôi dạy con cái và tôi nghĩ rằng để có thể vượt qua những khó khăn đó, quan trong nhất là không thể thiếu được sự cảm thông và hợp tác tích cực từ người chồng và các thành viên trong gia đình.
Số Merumaga lần tới tôi sẽ nói về những trải nghiệm của bản thân khi sinh và nuôi con ở Nhật bản.
Rất mong anh chị em và các bạn đón đọc.
Cảm ơn anh chị em và các bạn đã theo dõi số Visamaga ngày hôm nay.

Đăng ký tư vấn miễn phí
http://esoudan.com/gaikokujin/vi/free-consultation/

Follow me!