Chào quý vị và các bạn.
Về mặt văn hóa, Nhật bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng không ít sự khác biệt. Tôi xin lấy ví dụ về suy nghĩ của hai quốc gia liên quan đến việc thai sản. Do thời gian có hạn nên tôi không thể giới thiệu chi tiết hết mọi khía cạnh nên chỉ xin đề cập đến những điểm khác biệt nhất mà thôi.
Đối với phụ nữ, có thể nói việc mang thai và sinh con là nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời. Với phụ nữ ở quốc gia nào cũng thế, sinh con lần đầu bao giờ cũng là lần sinh con với bao nhiêu lo lắng vì cái gì cũng không biết. Tất nhiên không thể thiếu tâm trạng hồi hộp, háo hức chờ đón con đầu lòng và bản thân tôi cũng vậy.
Phụ nữ Nhật khi có thai sẽ đi khám định kỳ theo thời hạn quy định cho đến khi sinh và họ cũng phải đăng ký trước bệnh viện mình sẽ sinh. Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ Nhật chủ yếu hấp thụ dinh dưỡng qua chế độ ăn và bác sĩ cũng có chỉ thị nghiêm ngặt về dinh dưỡng sao cho thai phụ không tăng cân quá nhiều.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thai phụ thường chỉ đi khám khoảng 3 tháng đầu, nếu không có gì khác thường cũng như không xảy ra bất thường sau đó và biết được giới tính của trẻ thì sẽ không đi khám nữa mà tự chăm sóc bản thân theo ý mình. Họ cố gắng ăn thật nhiều đồ ăn bổ dưỡng nhiều năng lượng để tăng cân thật nhanh. Họ luôn quan niệm không chỉ ăn cho riêng mình mà còn ăn vì con nên ăn gấp đôi gấp ba bình thường, Nếu không làm như vậy thì sẽ bị người thân và mọi người xung quanh chỉ trích. Vì thế, thai phụ nào cũng tăng trung bình 15~20 kg so với trước khi mang thai. Khi lên cơn đau đẻ, họ có thể nhập viện vào bất cứ khoa sản của bệnh viện nào. Tất nhiên, ở Việt Nam cũng có những bệnh viện cao cấp nhưng những nơi như vậy thường phải đặt trước và dành cho người có điều kiện về kinh tế nên chi phí cho lần khám đầu đến khi sinh là rất đắt đỏ.
Ngoài ra, người Việt nam cũng rất chú trọng đến cân nặng của trẻ nhỏ. Khi sinh ra nếu trẻ nặng dưới 3kg thì mẹ bé sẽ bị nói rất nhiều. Sau khi chào đời, sự tăng cân và tình trạng sức khỏe của trẻ cũng bị để ý từng chút một. Đối với người Việt nam, trẻ không tăng cân nhanh là không thể yên tâm và chắc chắn sẽ bị chê cười.
Tôi vẫn không quên lần đầu tiên đưa con gái về thăm ông bà ngoại khi con tôi được 7 tháng, Dịp đó là dịp Việt Nam nóng nhất trong năm. Trong khi ở Tokyo, nhiệt độ cao nhất là khoảng 27 ~ 28 độ thì khi về đến nhà, nhiệt độ hôm đó ở Việt nam là 43 độ. Nóng đến nỗi mà cả người con gái tôi đỏ rực như con tôm luộc. Cùng với độ ẩm trên 80%, vô cùng khó chịu. Tôi không thể diễn tả hết được bằng lời cái cảm giác nhớp nháp mồ hôi ấy. Thế nhưng, thay vì hỏi han tình hình sức khỏe con bé, câu đầu tiên họ hàng nói với tôi khi nhìn thấy con bé là “ sao nó uống sữa Nhật mà cứ còi dí như thế?”. Tôi chỉ còn biết ngán ngẩm cười trừ.
Còn một điểm khác biệt nữa là ở VN, bố mẹ không tắm cho trẻ khi mới sinh ra mà thường nhờ y tá, hộ lý khoa sản đến nhà tắm định kỳ cho trẻ. Các ông bố bà mẹ ở Việt Nam không được hướng dẫn về cách tắm cho trẻ sơ sinh và cũng không có lớp học nào hướng dẫn về kỹ năng đó nên họ cảm thấy sợ và thường phó thác cho người có kinh nghiệm hoặc y tá, hộ lý bệnh viện.
Còn ở Nhật, sau khi ra viện, nói việc tắm cho trẻ hàng ngày là nhiệm vụ của các ông bố cũng không quá. Tôi nghe nói ngày xưa đàn ông Nhật hoàn toàn không tham gia vào việc nuôi dạy con, nhưng theo thời gian, quan niệm và suy nghĩ dần thay đổi và ở Việt nam cũng đang có xu hướng như thế. Tôi thấy đó thực sự là điều tốt. Hàng ngày nhìn chồng và con thân thiết chơi và học cùng nhau, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Còn quý vị và các bạn thì sao?
Đăng ký tư vấn miễn phí
http://esoudan.com/gaikokujin/vi/free-consultation/