NIPPON cafe chân thành cảm ơn đầu cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Yamanashi đã hội quán với chủ tớ Mụ tối nay.

Còn không đầy 1 tháng nữa lại đến kỳ thi năng lực tiếng Nhật.

Các sĩ tử dự định thi tháng 12 này hẳn đang vào giai đoạn nước rút. Nói vậy chứ chắc chắn không ít đầu cầu lên dây cót tinh thần ôn thi nhiều lần nhưng cũng không tập trung ôn được do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Mụ hiểu vì Mụ đã từng như vậy :P. Có chút không khí thi cử nên dù tinh thần học tiếng Nhật của chủ tớ Mụ cũng tăng cao đáng kể. Thực ra lần nào cũng được tính là học tiếng Nhật nhưng có lẽ hôm nay ra đúng tinh thần Benkyokai nhất ^0^.

Bắt đầu từ câu hỏi của đầu cầu xứ Thanh: Làm thế nào để nói tiếng Nhật tốt?

Ồ, Mụ tin rằng không chỉ các đầu cầu hôm nay mà những bạn bè đọc nội dung này cũng có chung mối quan tâm.

Hỏi học tiếng Nhật thì Boss nhà Mụ hơi khó trả lời nên Mụ đề nghị chuyển thành học ngoại ngữ để học hỏi ít kinh nghiệm của Boss khi học tiếng Anh. Boss bảo: Quan trọng là ko sợ sai, tích cực áp dụng nội dung đã học ở sách giáo khoa ra thực tế, khi lỡ nói sai, nói nhầm thì có ngay người chỉ cho mình chỗ sai và hướng dẫn mình cách nói đúng. Cái này Mụ công nhận vì lỗi chung của cách học ngoại ngữ truyền thống là nặng về sách vở, đọc sách thì cảm thấy cái gì cũng biết nhưng khi cần dùng nó cho giao tiếp thì không nhớ ra để dùng được vì chỉ nhớ láng máng và sợ nói sai thì bị người ta cười.

Đầu cầu Yamanashi chia sẻ: Em học theo kiểu bắt chước người Nhật nói, tức là lắng nghe người ta nói rồi mình học theo, dùng theo. Đây cũng là cách học khá chủ động và học được ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Hồi mới qua Nhật Mụ cũng đã học lỏm học vẹt theo kiểu này. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi vì có một thực tế không phải cứ người Nhật là nói chuẩn ngữ pháp tiếng Nhật. Quan trọng là phải nắm chắc kiến thức cơ bản để phân biệt đúng-sai để chỉ chọn học cách nói đúng và lưu ý tránh cách nói sai. Nói đơn giản vậy nhưng để có được sự nhận biết này thì cũng cần 1 quá trình tự rèn luyện không dễ dàng.

Còn với kinh nghiệm của Mụ thì Mụ thấy trước mắt phải vững kiến thức cơ bản, gốc chưa vững thì đừng ham cái khó. Thời gian ở Nhật, do công viêc, Mụ tiếp xúc với nhiều người nước ngoài nói tiếng Nhật, trong đó có Việt nam mình, Mụ thấy đa số bị ngộ nhận cứ bắn tiếng Nhật thật nhanh thật nhiều là giỏi, nhưng lại quên mất rằng nói liên tu bất tận mà không biết đang nói về cái gì?, nó như thế nào?, người nghe có hiểu được nội dung đó không? thì sẽ coi như thất bại. Trong giao tiếp thì phải nhớ mục đích, chủ đề, trình tự… của giao tiếp. Người nói muốn truyền tải cái gì, như thế nào để đạt mục đích của mình sẽ là mấu chốt. Nên Mụ nghĩ, khi nói, thay vì nói những câu phức tạp, câu khó thì nên diễn đạt dễ hiểu, đầy đủ ý và đúng trình tự để người nghe nắm được hết và chính xác nội dung. Để làm được thì sẽ cần phải rèn luyện thói quen tóm tắt, triển khai và tổng hợp ý kết cả trong khi viết lẫn khi nói. Mọi người có thể bắt đầu từ việc viết nhật ký, chọn nói theo đề tài nhỏ, đơn giản rồi tăng dần độ khó.

Đầu cầu Hà Nội tham gia lần đầu, là một bạn trẻ đang trong quá trình chuẩn bị hành trang sang Nhật vào năm tới.

Bạn ấy muốn biết là Mọi người ở Nhật có thường dùng Kính ngữ trong công việc của mình hay không?

Câu này cả hội Mụ đã trả lời cho bạn ấy rồi, thế còn cả nhà thì sao? ^_^.

Hy vọng sẽ có dịp chia sẻ trong thời gian tới.

Cảm ơn các đầu cầu đã tham gia chia sẻ cùng NIPPON café, cảm ơn cả nhà đã đọc hết bài viết khá dài này.

Mong sẽ nhận được thêm nhiều chia sẻ về bí quyết học tiếng Nhật của các đầu cầu khác để kho kinh nghiệm học tiếng Nhật nói riêng, học ngoại ngữ nói chung của NIPPON café ngày thêm phong phú.

Chúc cả nhà ngủ ngon và có giấc mơ màu hồng thật đẹp.
Hẹn cả nhà ở buổi Online cuối tháng 11.  Oyasuminasai. ^_^

Follow me!