Chào anh chị em và các bạn. Tôi là Trang, nhân viên văn phòng Luật hành chính Visaed 80.
Tôi rất vui được gặp lại anh chị em và các bạn sau một thời gian gián đoạn, không đăng blog. Để không mất thời gian của mọi người cho tôi vào chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay. Có lẽ anh chị em và các bạn cũng nắm được tình hình, nhưng tôi vẫn muốn đề cập đến tình hình xin việc của các bạn trẻ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Do chủ đề tương đối rộng, lại hạn chế thời gian nên cho phép tôi tóm gọn vào những điểm chính nổi cộm thời gian qua.
Khi bắt đầu sống ở Nhật, tôi đã rất ngạc nhiên khi sinh viên Nhật thường tiến hành phỏng vấn xin việc vào thời điểm cố định trong năm và học sinh cấp 3 khi tốt nghiệp có hai lựa chọn là học tiếp lên đại học, cao đẳng và chuyển hướng đi xin việc. Ở Nhật, khi học sinh cấp 3 chuẩn bị tốt nghiệp, giáo viên chủ nhiệm sẽ có buổi gặp riêng, nói chuyện, trao đổi về định hướng tương lai với từng học sinh của mình. Giáo viên sẽ đưa ra lời khuyên, chỉ ra định hướng về ngành nghề cũng như các trường mà học sinh nên hướng đến. Ở Việt Nam gần như hoàn toàn không có trao đổi này. Tất cả đều do học sinh và phụ huynh tự lựa chọn trường, nghề nghiệp rồi quyết định.
Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam khó xin được công việc văn phòng, Nếu có được tuyển dụng thì hầu như là những công việc tay chân đơn thuần, hoặc lễ tân, bán hàng… với mức lương tương đối thấp và chế độ đãi ngộ không tốt. Trừ những trường hợp khó khăn về kinh tế, không thể học lên được mới còn đại bộ phận giới trẻ Việt Nam đều hướng đến thi đại học, cao đẳng.
Việc xin việc ở Việt Nam khác nhất với Nhật bản ở chỗ: Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở Nhật cũng như các công ty Nhật luôn tổ chức buổi giới thiệu việc làm, tiếp cận với sinh viên, học sinh nhưng ở Việt Nam thì không có hoạt động này. Các công ty trung gian giới thiệu việc làm có khá nhiều nhưng phí giới thiệu cao và thường có nhiều điểm khác biệt với thực tế nên các bạn trẻ Việt Nam sau khi tốt nghiệp thường tự mình đăng ký trên các website tuyển dụng, xem thông tin tuyển dụng trên báo chí, bảng thông báo của khu công nghiệp… để tìm kiếm công ty phù hợp với ngành mình được đào tạo. Ngoài ra, không ít bạn trẻ được người thân, bạn bè, người quen giới thiệu việc, xin luôn được vào công ty mình đã thực tập. Trong quá trình tìm việc, sinh viên tốt nghiệp sẽ liên tục gửi hồ sơ xin việc đến các công ty tuyển dụng ít nhất cho đến khi được tuyển vào làm. Các công ty khi nhận được hồ sơ sẽ lựa chọn, liên lạc hẹn lịch thi và phỏng vấn với các ứng viên mình quan tâm. Khác với sinh viên Nhật ngay từ năm thứ 2 thứ 3 đã tìm hiểu về tình hình tuyển dụng thông qua các buổi tiếp xúc, hướng dẫn của các công ty, sinh viên Việt nam thường tiến hành tìm việc sau khi đã tốt nghiệp ra trường.
Tuy nhiên, không phải cứ tốt nghiệp trường đại học tốt là có thể dễ dàng xin được việc. Thực tế phần lớn các bạn trẻ Việt Nam không có định hướng về nghề nghiệp tốt thường không biết mình muốn làm gì, mình mạnh ở mặt nào, sau khi ra trường sẽ xin vào làm ở đâu, vì sao lại muốn vào làm ở công ty đó… Hầu như các bạn ấy chỉ đơn thuần làm theo lời phụ huynh nói một cách thụ động hoặc bắt chước theo trào lưu, thấy đông người xin vào hay chọn ngành đó nên mình cũng làm theo.
Đại bộ phận sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở các thành phố lớn đều chọn ở lại tìm việc thay vì về quê dù tìm được công việc ưng ý ở thành phố lớn với tỷ lệ cạnh tranh cao không hề đơn giản. Tất nhiên các công ty ở thành phố lớn hay khu vực lân cận sẽ có mức lương, mức đãi ngộ cũng như môi trường làm việc hấp dẫn hơn cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn so với khu vực khác.
Cho đến thời điểm cách đây 25 năm, mục tiêu và nguyện vọng của giới trẻ Việt nam sau khi ra trường là vào làm ở công ty nhà nước, được vào biên chế với chế đãi ngộ ổn định. Nhưng bước vào những năm 2000, việc xuất hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã làm thay đổi hẳn suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam. Thay vì xin vào các doanh nghiệp nhà nước với mức lương và đãi ngộ ổn định nhưng tương đối thấp và cào bằng thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ồ ạt chuyển hướng sang xin vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – nơi có mức lương cạnh tranh và chế độ đãi ngộ phù hợp ứng với năng lực thực tế. Mặc dù thi tuyển đầu vào ở các doanh nghiệp này đòi hỏi cao hơn về kiến thức cũng như trình độ ngoại ngữ nhưng sự công bằng trong thi tuyển, cơ hội phát triển bản thân – yếu tố hầu như không có ở môi trường làm việc của các doanh nghiệp nhà nước…là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Ở hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, nếu không có mối quan hệ quen biết hoặc thân thiết thì việc chen chân vào môi trường đó thực không dễ dàng. Trong khi đó, ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải không có việc giới thiệu người quen vào làm nhưng không có nghĩa là người đó nghiễm nhiên được chọn. Nếu người đó không thể hiện được năng lực bản thân thì đương nhiên sẽ không trúng tuyển.
Với sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài này, 20 năm qua, không chỉ kinh tế Việt nam phát triển nhanh chóng mà còn nâng cao mặt bằng của mức sống chung. Đồng thời quan điểm và suy nghĩ về công việc của người Việt Nam, nhất là giới trẻ thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây, gắn bó làm việc cho 1 công ty đến khi về hưu là đương nhiên thì hiện nay các bạn trẻ chuyển sang xu hướng sẵn sàng đổi việc nếu tìm được công việc có mức lương và đãi ngộ tốt hơn.
Ngoài ra, có không ít trường hợp không vội vàng tìm việc hoặc chưa muốn đi làm nên lựa chọn học tiếp lên cao học hoặc học thêm 1 trường đại học, cao đẳng thuộc chuyên ngành khác, hoặc đi du học nếu có điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, chục năm trở lại đây, lượng sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật có khuynh hướng xin việc ở nước ngoài, phổ biến là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản do nhu cầu tuyển dụng nhân viên nước ngoài ngày càng cao ở các công ty thuộc các quốc gia này, nhất là Nhật bản. Việc toàn cầu hóa những năm gần đây đã giúp cơ hội và phạm vi lựa chọn nghề nghiệp cho giới trẻ Việt ngày thêm phong phú, rộng mở. Nhưng dù cánh cửa đến ra thế giới rộng lớn đã mở thì không có nghĩa là ai cũng dễ dàng bước vào. Các bạn cần trang bị trước kỹ năng và kiến thức đầy đủ để nắm được cơ hội tốt và tồn tại, thích ứng được với môi trường mới đầy cạnh tranh, thử thách, Trong đó, bước đầu tiên là các bạn cần nhận thức rõ ràng về định hướng nghề nghiệp tương lai, động cơ làm việc cũng như năng lực của bản thân.
Anh chị em và các bạn thấy thế nào ạ? Thông tin bài viết chủ yếu tập trung vào tình hình xin việc ở trong nước nhưng tôi hy vọng ít nhiều giúp ích cho cả anh chị em và các bạn có ý định xin việc ở nước ngoài, trong đó có Nhật bản.
Lần tới tôi sẽ so sánh cách sống sau khi nghỉ hưu của người Nhật và người Việt từ những người xung quanh và những thông tin mà tôi có được qua báo đài. Mong anh chị em và các bạn đón đọc.
Nếu có ý kiến góp ý xin vui lòng gửi cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.

Đăng ký tư vấn miễn phí
http://esoudan.com/gaikokujin/vi/free-consultation/

Follow me!